top of page
Ảnh của tác giảVnherps

Tình phụ tử ở Ếch

Ếch có chăm con không? Câu trả lời là KHÔNG nhé.


Chăm sóc con cái là tập tính được ghi nhận rộng rãi ở rất nhiều loài động vật, thay đổi từ tập tính đơn giản đến phức tạp, và thời gian, cũng như giới tính. Nhưng thật bất ngờ là chúng ta lại biết rất ít về sự tiến hóa của quá trình này.


Một cuộc khảo sát trên dữ liệu của hơn 1300 loài lưỡng cư cho thấy rằng, có rất nhiều loài có tập tính chăm sóc con cái, cũng như quan tâm tới thế hệ sau. Nhiều loài lại "bỏ bê" con cái và chạy theo lối sống của mình (nghe có vẻ phóng đãng ghê).


Có tận 5 tập tính khác nhau được ghi nhận ở các loài lưỡng cư về việc chăm sóc thế hệ sau (gồm trứng, nòng nọc và con non), bao gồm "để mắt tới-bảo vệ gián tiếp, vận chuyển, ấp, cho ăn, và đẻ con".

 

Mỗi nhóm loài có một tập tính khác biệt và chăm sóc ở các giai đoạn khác biệt. Có loài bảo vệ trứng rất cẩn thận, có loài chăm sóc nòng nọc bằng cách cho ăn…có loài cẩn thận còn chăm sóc cả con non cho nó lớn hơn xíu rồi mởi dựng vợ gả chồng cho chúng. Sự khác biệt này nằm ở môi trường sống khác nhau và mối nguy hiểm mà mỗi giai đoạn phải đối mặt. Ngoài ra còn có sự khác biệt về việc bố hay mẹ chăm sóc, hay cả hai cùng chăm sóc con cái


Tại Việt Nam, các tập tính này được ghi nhận khá nhiều, có lẽ sẽ cần 1 bài viết dài để mô tả hết. Hôm nay xin giới thiệu đến tập tính "bảo vệ gián tiếp" của môt loài ếch ở miền Trung.

 

Ảnh: A- Hình ảnh "nhà trẻ" bên suối cạn được xây bởi 1 tay ông bố; B-Toàn cảnh nhà trẻ; C- Đám trẻ nhiều lứa tuổi, và D – Chân dung ông bố già kham khổ.

Đây là loài ếch nhẽo polain - Limnonectes poilani, phân bố khá rộng và rất quen thuộc. Chúng sống ở rừng tự nhiên độ cao lên tới 1200 m. Tới mùa sinh sản, con đực sẽ tìm tới phần nguồn ngọn suối nhỏ, bằng để kêu và thu hút con cái. Mỗi con đực sẽ "quan hệ" với 2-3 con cái cùng lúc trong khi sinh trứng (hiện tượng đa thê).


Con đực thường làm những "nhà trẻ" tạm thời, dùng chân với màng bơi như chân vịt ủi các đám cát ven suối thành những "nhà trẻ" với một bức tường chắn nước chảy qua, để con cái đẻ trứng vào đó. Những bức tường này không hoàn toàn ngăn nước ra vào qua cát, mà chỉ ngăn nước lớn chảy qua, để đảm bảo 1 môi trường an toàn cho nòng nọc phát triển "trong yên bình".


Khi trứng nở và nòng nọc phát triển, chúng luôn ở bên cạnh đó và vừa tiếp tục mời chào các con cái khác, vừa bảo vệ đám nhỏ bằng cách để mắt tới bức tường bao quanh ngôi nhà trẻ này, để đảm bảo nước không làm vỡ chúng khi mưa lớn, tránh việc nòng nọc bị cuốn ra ngoài khi chưa đủ cứng cáp.


Trong một nhà trẻ có thể bắt gặp nhiều thế hệ trẻ khác nhau, khi nòng nọc lớn và thành con non, chúng tự kiếm ăn và tiếp tục cuộc sống của mình.


P/s: Có một giả thiết được 1 mem đề xuất là: Liệu đây có phải là việc thay vì xây nhà trẻ, thì ông này về thực chất đã xây 1 cái động thiên đường. Rồi hậu quả là ngoài việc được hưởng thụ nhiều "gái xinh" thì ổng phải làm bà bảo mẫu cho chúng??


Tài liệu tham khảo: Furness, A.I. and Capellini, I., 2019. The evolution of parental care diversity in amphibians. Nature communications, 10(1), pp.1-12.


2 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page