top of page

Nong, nia, sàng, sịa, rổ, rá! Mại zô mại zô!!

Ảnh của tác giả: VnherpsVnherps

Bài viết này biên năm ngoái, trong group nhận diện các loài rắn ở Việt Nam. Một năm đã trôi qua nhưng thông tin vẫn cần cho người mới. Page xin biên lại vài xong về cái tên của tụi rắn Cạp Nia, Cạp Nong cho mọi người dễ hình dung, cũng như kêu cho thống nhất.


Vảy sống lưng đặc trưng cà tưng của Bungarus. (B. candidus)

 

Tóm tắt về nhận dạng con trưởng thành Giống Bungarus ở Việt Nam như sau (xem thêm ảnh):


(1) Đen và vàng thì cạp nong (một số vùng phía Nam như Philipines có vài dạng khác)- tên khoa học Bungarus fasciatus.

Cạp Nong; đặc trưng bởi khoanh đen và vàng

 
(2) Đen trắng mà đầu có chữ V ngược trắng nhạt thì là cạp nia sông hồng (Bungarus slowinskii); đầu không có chữ V thì đi tới số (3)

Cạp nia Sông Hồng, Đầu có cái chữ V ngược đặc trưng. Anh lấy từ bài báo của các tác giả Kharin etal. 2011. Đối diện cái đầu, các bạn có thể để ý chỗ thân hẹp hẳn vào, đó là bắt đầu của đuôi. Từ đó khoảng trắng đếm chỗ đó tới ngược lại để biết bao nhiêu vòng


Cạp nia sông Hồng, hình cái đầu, ảnh lấy từ bài báo của các tác giả Kharin etal. 2011.

 
(3) Khu vực phía Nam Trung Bộ vào miền Nam, có số vòng trắng trên thân ít hơn 25 (khoảng trắng bằng hoặc bé hơn 1 xíu so với khoảng đen, tầm 4 cái vảy trắng) thì là cạp nia Nam (Bungarus candidus); Nhiều hơn thì tới số (4)

Cạp nia nam; tên khoa học là Bungarus candidus. Đặc trưng loài này là thân có từ 14-25 vòng trắng (xen lẫn vòng đen). Hầu hết là 19--25, duy có 1 số mẫu ghi nhận tại Ninh Thuận có 14 và 15 vòng trắng, rất chi là ít. Các bạn để ý phia gần đuôi kích thước hụt hẳn bề ngang, đấy là nơi phân biệt than và đuôi để dễ đếm khoang trắng (nếu thích).


Cạp nia Nam, con non có cái đầu màu trắng phía sau, nhưng không phải dạng chữ V.

 
(4) Có nhiều hơn 25 vòng trắng ở thân, khoảng trắng hẹp hơn khoảng đen rất nhiều, chỉ cỡ 2 cái vảy thôi, mà ở miền Bắc Trung Bộ ra Bắc, lại không có chữ V trên đầu, thì hẳn là cạp nia Bắc.

Cạp nia bắc, Bungarus multicinctus. Có nhiều hơn 25 vòng trắng ở thân, khoảng trắng hẹp hơn khoảng đen, cỡ 2 cái vảy thôi, mà ở miền Bắc Trung Bộ ra Bắc, lại không có chữ V trên đầu.

Ảnh bạn Trung Nguyen

 
(5) Còn, đương nhiên rồi; đầu đỏ đuôi đỏ thì là con Cạp nia Mơ huyền (Cạp nia Đầu đỏ) thôi (Bungarus flaviceps).

Nhìn vào đầu, vảy sống lưng, bề rộng khoảng trắng và khu vực sống để nhận ra loài là chính.

Các loài trong giống Bungarus thì ai cũng dễ nhận ra bởi cái hàng vảy lục giác giữa lưng rất to; đặc biệt con nào ốm ốm càng lồ lộ. Đầu và đuôi không quá khác biệt (điều này tạo nên cái vụ tin linh tinh Rắn hai đầu gần đây)


Hiện tại Việt Nam, theo tài liệu quốc tế ghi nhận có 05 loài. Nhưng về cơ bản thì có 4 loài là có hình ảnh và 1 loài chỉ có trên giấy tờ; chưa rõ ràng.

  1. Cạp Nong thì ai cũng biết rồi; tên khoa học là Bungarus fasciatus; đặc trưng bởi khoanh đen và vàng rõ và tương đối đều đặn (các trường hợp đột biến xin miễn bàn ở đây nhé). Loài này phân bố rộng nhưng rất dễ thấy ở khu dân cư, bìa rừng, các đám lau sậy ven hồ. Đi bắt cá, cua hay gặp. Cạp Nia với cơ thể khoanh đen và trắng: tại Việt Nam hiện có ghi nhận 03 loài.

  2. Cạp nia Sông Hồng; Bungarus slowinskii.. Loài này tên tiếng Việt gọi theo khu vực nó được mô tả, tỉnh Yên Bái, gần khu vực sông Hồng. Còn vùng phân bố hiện tại của khó khá rộng; gồm cả từ Bắc vào tận Bạch Mã (Huế), bên cạnh đó có Lào và Thái Lan. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng đây là 1 loài hiếm gặp. Tìm thấy trong rừng thường xanh. Đặc trưng nhất của loài này cho ai dễ hình dung, đó là cái đầu vệt trắng hình chữ V ngược rất chết chóc (nhóm cạp nia còn lại không có hoặc có thì con non cả vùng trắng mà thôi).

  3. Cạp nia nam; tên khoa học là Bungarus candidus, loài này, theo tên gọi và trước đây ghi nhận từ Đèo Hải Vân trở vào (southern Vietnam). Sau đó mấy ông Trung Quốc phân tích di truyền và ghi nhận nó ở cả Vân Nam; nhưng loay hoay 1 hồi thì cho đến nay ở nước ta, phía Nam Trung Bộ vào Nam vẫn là vùng phân bố chính. Đặc trưng loài này là thân có từ 14-25 vòng trắng (xen lẫn vòng đen). Hầu hết là 19--25, duy có 1 số mẫu ghi nhận tại Ninh Thuận có 14 và 15 vòng trắng, rất chi là ít.

  4. Cạp nia Bắc, Bungarus multicinctus, gần đây nhiều bạn xài tên Bungarus wanghaotingi (gọi tạm ở đây là cạp nia Wanghaoting) cho loài này. Nhưng thực ra không phải vậy, cụ thể là trong 1 công trình nghiên cứu đầu năm nay, thì nhóm cạp nia màu đen/trắng (nam và bắc) được tách ra và 1 số quần thể thì gọi là cạp nia wanghaoting, 1 số vẫn gọi là cạp nia Nam (nhiều bạn nhầm Nia Bắc đổi thành Nia wanghaoting, nhưng quần thể Nia Nam phía Nam cũng bị đổi thành nia wanghaoting. Nhưng công trình khoa học này (dẫn đầu bởi các bạn Tàu) khá là rối rắm và hiện không được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Một nghiên cứu mở ở Hong Kong cho thấy mặc dù về di truyền, có thể có 2 loài Bungarus wanghaotingi và Bungarus wanghaotingi cùng tồn tại, nhưng hình thái ngoài thì thực khó phân biệt. Nên túm lại lại là cái tên Bungarus multicinctus vẫn được xài tiếp. Và đặc trưng của loài này là vòng trắng trên cơ thể nhiều hơn 26 cái; có khi lên tới gần 40 cái. Ai chấp nhận tên gọi Bungarus wanghaotingi cũng không sai, nhưng cứ gọi Nia Bắc thì OK ráo.

  5. Cạp nia đầu đỏ, Cạp nia Mơ huyền, Bungarus flaviceps. Loài này có ghi nhận tại Việt Nam ở 1 địa điểm duy nhất trước đây là Núi Dinh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhưng không có ảnh hay mẫu vật (hoặc có mà mất tiêu đâu rồi). Cho đến nay không có ghi nhận mới. Do vậy đặt ra nhiều câu hỏi về sự hiện diện của loài này ở Việt Nam. Nghi ngờ thì đúng, nhưng các bạn đừng vội kết luận nó không có nhé, vì việc ghi nhận loài ngày xưa không có mẫu hay ảnh là không hiếm. Và hiện nay tại nước ta có quá trời loài mô tả từ lâu cho đến nay chỉ ghi nhận trên 1-2 mẫu qua hàng chục năm không có thêm thông tin gì, kèm theo việc loài rắn mới vẫn đang được khám phá cho thấy việc ghi nhận lại 1 loài sau hàng chục năm là điều không có gì quá ghê.

 

Ghi chú:

  • Sẽ khó cho vài bạn là vòng thân, còn vòng đuôi thì sao, thực ra mấy ông làm khoa học không có tính chi li món đuôi vì trong giống này có vài loài có đuôi đồng nhất màu, nên mình cũng kg tính để đếm tổng số, trong ảnh có ghi chú cách nhận diện đâu là đuôi.

  • Các loài kể trên không chỉ khác nhau về khoảng trắng, hay màu mà còn đặc điểm vảy, bài này chỉ nêu những thứ dễ nhìn qua mắt không chi li vì chả ai bận tâm xách con rắn độc đi đếm vảy. Các hình ảnh khác vui lòng xem thêm trong group.

  • Bài này không phân biệt Bungarus với các loài tương tự không phải rắn độc và cũng không nêu quá chi tiết tường loài. Mấy cách phân biệt chịu khó kéo có quá trời bài viết rồi.

  • Về vùng sống, bài viết này không liệt kê chi tiết, cũng như ranh giới chính xác, sơ lược thì miền Trung (Huế ra tới Nghệ An) là nơi có thể gặp nhiều loài trong giống này nhất, là vùng giao thoa của Cạp Nia Bắc, Cạp Nia Nam và Cạp nia Sông Hồng. Cạp Nong thì phân bố rộng cả nước. Chính xác về vùng giao thoa chưa được ghi nhận rõ ràng. Đợi các admin ngâm cứu thêm.

  • Vùng sống và hoạt động đám này giờ cũng lộn xộn, có thể do địa hình và rừng thay đổi và chia cắt. Dễ hình dung sơ sơ là Cạp nong dễ gặp gần người, dân cư; cạp nia Nam, và cạp Nia sông Hồng ưa rừng tự nhiên hơn; Cạp nia Bắc (có lẽ phía Bắc giờ quá ít rừng) nên cũng hay gặp trong khu dân cư và ao hồ.

 

(ảnh 1 số xin từ các bài báo, xài cá nhân thì được vui lòng không đăng chỗ khác bị oánh).

 

TLTK: http://www.reptile-database.org/; Chen, Z.N., Shi, S.C., Vogel, G., Ding, L. & Shi, J.S. (2021) Multiple lines of evidence reveal a new species of Krait (Squamata, Elapidae, Bungarus) from Southwestern China and Northern Myanmar. ZooKeys 2021, 35–71; Kharin, V.E., Orlov, N.L. & Ananjeva, N.B. (2011) New Records and Redescription of Rare and Little-Known Elapid Snake Bungarus slowinskii (Serpentes: Elapidae: Bungarinae). Russian Journal of Herpetology 18, 284–294. Yuan, F.L., Prigge, T.L., Sung, Y.H., Dingle, C. & Bonebrake, T.C. (2022) Two Genetically Distinct yet Morphologically Indistinct Bungarus Species (Squamata, Elapidae) in Hong Kong. Current Herpetology 41, 114–124. https://doi.org/10.5358/hsj.41.114

200 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentários


Đăng kí tin tức mới từ chúng tôi

Cảm ơn đã đăng kí

  • Facebook
  • Instagram
  • YouTube

© 2021 by

Vnherps.png

Đề xuất trích dẫn. Vnherps (2022). Trang thông tin các loài Lưỡng cư ở Việt Nam http://www.vnherps.com/  Ngày truy cập

bottom of page