Hôm trước, mình có viết 1 ghi chú nhỏ về những loài rắn cạp nia đang sống ở Việt Nam. Hiện tại Việt Nam, theo tài liệu quốc tế ghi nhận có 05 loài. Nhưng về cơ bản thì có 4 loài là có hình ảnh, mẫu vật rõ ràng còn 1 loài chỉ có trên giấy tờ; chưa rõ ràng, đấy là loài cạp nia đầu đỏ, Bungarus flaviceps, có ghi nhận tại Núi Dinh, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tựu chung thì tóm tắt về nhận dạng con trưởng thành Giống Bungarus ở Việt Nam như sau:
Đen và vàng thì cạp nong (một vài cá thể được báo cáo là cạp nong có màu đen-trắng, nhưng hầu như chỉ có ghi nhận ngoài Việt Nam nên không bàn ở đây).
Đen trắng mà đầu có chữ V ngược trắng nhạt thì là cạp nia sông hồng (google thêm ảnh); đầu không có chữ V thì đi tới số (3).
Có số vòng trắng trên thân ít hơn 25 (khoảng trắng bằng hoặc bé hơn 1 xíu so với khoảng đen, tầm 3-5 cái vảy trắng) thì là cạp nia Nam; Nhiều hơn thì tới số (4)
Có nhiều hơn 25 vòng trắng ở thân, khoảng trắng hẹp hơn khoảng đen rất nhiều, chỉ cỡ 1.5-2 cái vảy thôi, lại không có chữ V trên đầu, thì hẳn là cạp nia Bắc.
Còn, đương nhiên rồi; đầu đỏ đuôi đỏ thì là con Cạp nia Mơ huyền (Cạp nia Đầu đỏ) thôi.
Nhìn vào đầu, vảy sống lưng, bề rộng khoảng trắng và khu vực sống để nhận ra loài là chính. Các loài trong giống Bungarus thì ai cũng dễ nhận ra bởi cái hàng vảy lục giác giữa lưng rất to; đặc biệt con nào ốm ốm càng lồ lộ. Đầu và đuôi không quá khác biệt (điều này tạo nên cái vụ tin linh tinh Rắn hai đầu gần đây).
Hôm nay chỉ nói tới cái tên đang được nhắc tới gần đây, Bungarus wanghaotingi. Và vì sao trang web uy tính về bò sát ReptileDatabase không/chưa xài nó.
Về nguồn gốc, thì lúc ban đầu đây là loài phụ của loài rắn cạp nia Bắc (nhiều đai); Bungarus multicinctus wanghaotingi POPE 1928, mô tả tại Trung Quốc. Sau đó có nhiều bài báo coi rằng đây nên là 1 loài chính thức, chứ không phải là loài phụ. Bài báo gần đây nhất, Mr. Chen và cộng sự từ Trung Quốc đưa ra 1 loạt dẫn chứng để "tôn" anh chàng này thành 1 loài chính thức, bổ sung vùng phân bố cho nó. Tóm tắt bài báo này, mình xin đính chính vài nhầm lẫn mà một số bạn đang có hoặc có thể có.
A. Loài Nia Bắc ở Việt Nam (Bungarus multicinctus) nay đổi là Bungarus wanghaotingi: Không đúng. Tên loài Bungarus wanghaotingi trong bài báo này áp dụng cho gần như toàn bộ quần thể của Bungarus multicinctus và B. candidus tại Việt Nam, chỉ thừa nhận quần thể tại Quảng Bình và Bình Phước là Bungarus candidus mà thôi (âu vì thế mà đa số ở Việt Nam theo họ là Bungarus wanghaotingi) nhưng dữ liệu di truyền để xác nhận thì chỉ xài mẫu ở VQG Bù Gia Mập (Bình Phước), còn Quảng Bình chỉ có ảnh.
B. Bungarus candidus ở đâu? Như đã nói, tác giả kêu rằng loài này giờ chỉ ở phía Trung và Nam Việt Nam (họ chỉ có mẫu DNA-di truyền ở VQG Bu Gia Mập), Indonesia, Bán đảo Mã Lai.
C. Tên loài Bungarus multicinctus còn không? Có: Nó được khu trú vùng phân bố bên Trung Quốc gồm Vân Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông và Hải Nam.
D. Loài Bungarus wanghaotingi có được chấp nhận không? Theo dữ liệu mới từ trang Reptile-Dabase, mà có lẽ có nhóm web đã trao đổi với chuyên gia khác, thì họ không chấp nhận việc đổi tên này. Vì một số lý do, mà mình cũng đồng ý như sau:
Về việc sử dụng mẫu đối chứng: Bài báo nói rằng, (nhưng tiếc là chỉ lấy mẫu bên Vân Nam Trung Quốc ra so mà thôi, mình gọi là Vân Nam), - Loài Bungarus wanghaotingi (mẫu Vân Nam) khác với Bungarus multicinctus ở đặc điểm ít vòng trắng hơn (18–33, n = 27, trung bình 25.1; so với 31–50, n=24, trung bình 39.3 vòng); màu của bụng trắng hết so với màu đốm đốm; màu của dưới đuôi cũng vậy, trắng so với đóm đen; gai của ngọc hành (dương vật) lớn và tù hơn loài B.multicinctus (nhưng theo mình ảnh họ xài thì gai loài B. wanghaotingi còn tươi, chưa nặn hết; trong khi mẫu kia là bảo tàng và đã toàn vẹ ra ngoài, xem ảnh 9 trong bài báo); răng nanh (hơi cong so với cong..nghe rất khó nhận dạng vì không có chỉ số rõ ràng, bạn xem ảnh 8 trong bài báo sẽ thấy không co sự khác biệt). Trong bài này, số liệu cung cấp không thống nhất cho toàn dải phân bố, ví dụ vòng trắng Bungarus wanghaotingi hẹp, chiếm khoảng 1.5–2.5 (n = 16) vảy thân ở quần thể Vân Nam; rộng hơn ở Thái Lan (rộng như nào? vì nói hẹp hơn B. candidus nhưng rộng hơn vậy có trùng với B. candidus ở Việt Nam không?); nhưng vậy ở Việt Nam, Lào thì như thế nào? Không có câu trả lời! - Loài Bungarus wanghaotingi (mẫu ở Vân Nam) khác với B. candidus ở chỗ là có cái vòng trắng hẹp hơn, vảy ở cổ và đầu toàn diện màu đen ở con trưởng thành, màu nâu ở con non; trong khi B. candidus thì cổ có màu trắng đối lập với màu của đám vảy liền kề, con non thường có đầu màu trắng; tương tự có gai của dương vật lớn hơn (nhưng dương vật xài để so sánh cũng chỉ là 1 tấm ảnh với thước đo ghi khoảng, không có con số cụ thể). Mẫu đối chứng của B. candidus chỉ có ở Indonesia, Malaysia và chỉ 1 mẫu ảnh của dương vật ở Quảng Bình. Và rất tiếc là mẫu này cũng không hề có dữ liệu di tryền để đối chứng. Vì thế kết luận này mở hồ. Đồng thời, mặc dù tác giả báo cáo rằng mẫu vật ở Núi Chúa (Ninh Thuận), dựa trên DNA thì là B. wanghaotingi (được viết rõ có 18-33 vòng trắng) nhưng lưu ý rằng quần thể này chỉ có 14 vòng trắng, gần như tách biệt so với các mô tả trong bài này, nhưng không hề được nhắc đến phần hình thái?.
Áp dụng phân loại dựa trên mẫu DNA là chính: Xem qua có thể thấy, bài báo sử dụng mẫu DNA ở nhiều khu vực gồm cả Việt Nam để xem xét cây phát sinh chủng loại, từ đó đưa ra kết luận về loài Bungarus wanghaotingi là 1 loài riêng biệt, phân bố rộng, gồm Bắc và Nam Việt Nam và Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Camphuchia; bỏ tên loài Bungarus multicinctus ở Việt Nam. Nhưng dữ liệu hình thái các tác giả đưa ra chỉ chủ yếu xài ở Trung Quốc mà thôi (mặc dù trong phụ lục rất nhiều mẫu ở nơi khác, nhưng không có thống kê (?); thông tin ở các quần thể khác ở Việt Nam về sự so sánh loài Bungarus wanghaotingi với hai loài gần gũi là Bungarus multicinctus và B. candidus rất mơ hồ và có thể cố tình bỏ qua (vì cơ bản chỉ áp dữ liệu Trung Quốc cho Việt Nam, không xài dữ liệu từ quần thể ở Việt Nam, Thái và Lào).
Khóa định loại: Như đã nói, vì hầu hết mẫu dùng để mô tả và so sánh không bao quát, nên khóa định loại chưa chắc chắn, nhất là 3 loài đang nói tới. Ví dụ loài B. wanghaotingi lại có tận 2 dạng để định loại, một là phía Nam Đông Dương và Mã Lai (không cụ thể những vùng nào) có ít hơn 26 vòng trắng thân, nhưng nhóm phía Bắc Đông Dương và Trung Quốc lại có nhiều hon 26 vòng!! Điều này, lại là 1 việc thực sự gây lú cho ai ở Việt Nam vì tác giả không nêu rõ chỗ nào là ranh giới giữa Bắc và Nam Đông Dương cả. Phải chăng các tác giả áp loài Bungarus multicinctus phía Bắc là nhóm trên 26 vòng còn B. candidus phía Nam là nhóm dưới 26 vòng của loài này chăng?.
Tạp chí đăng bài: Mặc dù có thể không liên quan, nhưng tạp chí nơi bài này được đăng có phí cao, 700-1000 USD và vì thế quá trình xét duyệt rất nhanh. Điều đáng nói là ần đây tạp chí này đang được xem xét là đáng lo ngại vì rất nhiều bài báo có chất lượng rất đáng báo động được đăng, nhất là đến từ các nhà khoa học hàng xóm. Liệu đây có phải là 1 phần lý do để bài báo này được xét duyệt khi còn quá nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp? Chính vì thế, mặc dù có dẫn liệu di truyền hỗ trợ, có tác giả là nhà khoa học uy tín, sự phân tách này rất rối rắm và thiếu hụt mẫu vật đối chứng của các loài được nghiên cứu (theo mình, và có lẽ là các nhà phân loại khác), do vậy mà trang web ReptileDatabase chưa chấp nhận nó, vẫn coi Bungarus wanghaotingi là 1 loài phụ của loài Bungarus multicinctus cho đến hiện tại.
Kết luận,
Bungarus wanghaotingi liệu có phải là 1 loài không? Theo mình thì có (dựa vào bằng chứng di truyền), nhưng có lẽ cần 1 công trình rõ ràng và bao quát hơn (ví dụ như bài báo về nhóm rắn san hồ mình viết tuần trước), để có những kết luận làm hài lòng các nhà phân loại học khác và cả mình.
Ở Việt Nam nên gọi tên những loài nào? Đấy là việc của bạn không ai rút tiền từ ví bạn khi gọi 1 trong 3 loài kể trên, nhưng mình đề xuất (và đang áp dụng) cho tới hiện tại thì vẫn sử dụng hai tên loài Bungarus multicinctus và B. candidus mà thôi. Phân biệt hai loài này bạn coi ở khóa định danh phía trên.
Qua đây cũng xin lưu ý rằng: Xuyên suốt bài báo này, điều thiếu sót nhất và chưa tới bến, có lẽ do việc thiếu hụt mẫu vật để đối chiếu. Do đó, đối với những người làm nghiên cưu như tụi mình, thì mẫu vật dù là một mẫu chết được bảo quản tốt để phục vụ cho công tác định loại, là một điều cực kỳ quan trọng. Từ đó mọi người có thể hiểu chính xác hơn về loài nơi mình sống.
Với 1 người khi gặp 1 mẫu rắn chết hay đập 1 cá thể rắn (vì lý do an toàn cho gia đình, bản thân) thường sẽ bỏ qua nó, nhưng nếu nó được đưa tới đúng nơi, thì lại là 1 việc khác. Do đó, nếu bạn gặp 1 cá thể rắn đã chết còn nguyên vẹn, và ở Hà Nội, Sài Gòn hay Đà Lạt hặc khu lân cận, bạn có thể làm thêm 1 việc có ích là nhắn tin tới Page để được hướng dẫn bảo quản và phục vụ nghiên cứu khoa học lâu dài. Việc này, thông qua hướng dẫn sẽ không gây nguy hiểm cho các bạn (vì rắn đã chết) nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu khoa học.
Ảnh là 1 cá thể rắn cạp nia bắc, Bungarus multicinctus bị xe cán chết ven đường vừa được gửi tới tay mình từ 1 bạn tại Hà Nội, để giúp định loại và là cảm hứng biên bài viết này.
TLTK (xem miễn phí): Chen, Z.N., Shi, S.C., Vogel, G., Ding, L. & Shi, J.S. (2021) Multiple lines of evidence reveal a new species of Krait (Squamata, Elapidae, Bungarus) from Southwestern China and Northern Myanmar. ZooKeys 2021, 35–71. https://doi.org/10.3897/zookeys.1025.62305
Comments