top of page

Bộ: Anura > Họ: Rhacophoridae >  Giống: Theloderma

Theloderma corticale

Ếch cây sần miền bắc – Tonkin Bug-eyed Frog

Đặc điểm nhận dạng. Loài có kích thước lớn nhất trong giống Theloderma, chiều dài thân đạt tới 7-8 cm. Thân xù xì, khá mập. Đầu tù, hơi tròn nhìn từ trên, mõm phẳng nhìn từ bên. Lỗ mũi dạng khe hẹp, ngay sát mõm. Gờ da từ mõm tới mắt phát triển, má hóp tạo nên phần mũi tới mắt nhô cao. Mắt lớn, con ngươi nằm ngang. Màng nhĩ to, hơi bầu dục, lớn gần mắt đường kính mắt. Răng lá mía hai hàng ngắn, gần lỗ mũi trong hơn so với hai hàng răng. Lỗ mũi trong hình bầu dục. Lưỡi lớn, phần chóp lưỡi ít chẻ sâu.

Chân trước mập, ngón chân có các đĩa bám phình lớn, bằng ở đầu mút ngón, có rãnh ngang giữa đĩa bám. Không có màng bơi giữa các ngón chân, dấu tích ngón tay cái rõ ràng. Các củ bàn và củ dưới đốt ngón phát triển.

Chân sau mập, phát triển. Khi gập dọc thân, khớp cổ chân chạm sau mắt. Khi chân gập vuông góc, hai gót chân chạm nhau. Ngón chân dài, mút ngón có đĩa bám phát triển, bé hơn đĩa bám ngón chân trước. Màng bơi phát triển gần mút ngón. Củ bàn trong phát triển, hình bầu dục, củ bàn ngoài không rõ.

Da sần sùi, đầu, lưng, trên mắt, trên các chân là các nốt sần lớn và nhọn ở đầu mút trông lởm chởm và sắc nhọn, đôi khi 2-3 nốt sần gộp lại thành 1 hàng ngắn. Xen kẽ các nốt sần lớn là hạt mụn bé hơn. Hông, mặt dưới đùi và các chân có các hạt sần bé và tròn hơn lưng. Bụng dạng hạt sần đều nhau. Quanh lỗ huyệt có nhiều gai nhỏ thành cặp. Trên mắt có các gai nhỏ.

Màu sắc khá đa dạng, nhưng chủ đạo là xanh lá chuối ở lưng và trên các chân, các nốt sần màu nâu hơn nổi trên nền lưng màu xanh. Hông và mặt sau đùi hơi vàng với các vện đen nâu. Trên chân màu xanh với các vệt ngang đen lớn băng ngang. Bụng màu trắng xen kẽ màu nâu đen. Màu mắt dạng hai đồng hồ cát vuông góc, một đồng hồ dọc màu trắng xanh, một đồng hồ ngang màu nâu đen. Khi ở trong nước lâu (đặc biệt là mùa sinh sản), toàn thân thường màu nâu đen.


Sinh học. Loài sống hoàn toàn trên cây. Mùa sinh sản chúng thường sống theo cặp. Đẻ trứng ở các hốc nước trên bọng cây, hoặc trong hốc đá có nước trong núi đá vôi. Trứng được đẻ trên thành hốc nước, dính chặt ngay trên mặt nước, thành đám hoặc rời nhau. Trong mùa sinh sản, con đực thường kêu vào ban đêm, tiếng kêu chậm rãi và cách nhau khoảng 0.5 giây. Kêu trầm, với tai người nghe như tiếng còi xe bé. Tập tính loài này thường co lại thành quả bóng khi bị tác động (bắt hay đụng vào).


Trứng và nòng nọc. Trứng hình tròn, bảo vệ bởi 1 lớp thạch dày. Trứng đẻ khoảng 3 ngày sẽ bắt đầu hình thành phôi. Sau khoảng 1 tuần phôi sẽ có hình thù rõ ràng của nòng nọc. Trong 2 tuần kế tiếp, nòng nọc sẽ phát triển tiếp tục trong trứng và sau đó nở ra sống tự do ở trong hốc nước.

Nòng nọc từ sau khi nở đến khi gần hóa thành ếch con có màu đen toàn thân. Thân mập, đuôi có vây rất phát triển. Miệng hướng xuống, các hàng răng bằng chất sừng phát triển. Đến giai đoạn 41-46, các chân đã phát triển đầy đủ và hình dạng nòng nọc rất giống các cá thể trưởng thành về màu sắc và đặc điểm chung. Trong điều kiện nuôi, nòng nọc phát triển khoảng 4 tháng thì thành ếch con. Ngoài tự nhiên thời gian có thể lâu hơn do nguồn thức ăn hạn chế.

Mô tả chi tiết về trứng và nòng nọc xem Gower và cs. (2012).


Sinh cảnh. Con đực sống trên cây gần các bọng có nước. Hoặc trong núi đá nơi có hốc nước. Nòng nọc sống tự do sau khoảng 2 tuần từ khi trứng đẻ ở các hốc nước.


Phân bố. Trong nước: Phân bố khá rộng chủ yếu ở các tỉnh Đông Bắc và Bắc Trung bộ. Thế giới: Đông Nam Trung Quốc (gồm cả Đảo Hải Nam) và Lào.


Tình trạng bảo tồn. Sách đỏ Việt Nam: EN (Nguy cấp). Danh lục đỏ thế giới: LC (Ít lo ngại). Loài này hiện được nuôi nhiều trong các vườn thú, nhân nuôi cảnh và bị buôn bán rất nhiều trong và ngoài nước.


Nguồn gốc tên loài. Không ghi chú.


Loài tương tự. Mặc dù kích thước bé hơn nhiều, loài này rất dễ nhầm lẫn với loài Ếch cây sần miền Bắc (Theloderma corticale). Có thể phân biệt hai loài này như sau: Loài T. corticale lớn hơn (đạt 7-8 cm), khớp gối tới màng nhĩ, gai lưng phát triển hơn, ít liên kết thành gờ, mặt bụng dạng sần với màu trắng chủ đạo, màu mắt dạng chữ thập, màng bơi phát triển tới mút ngón. Trong khi loài T. bicolor kích thước bé (4.5 cm), khớp gối vượt qua mũi, da lưng dạng gờ nhiều hơn, bụng màu đen với các vện trắng sữa loang lổ, mắt màu xanh ở viền trên và dưới, màng bơi vượt quá 1/2 ngón IV, không chạm tới mút ngón.


Tài liệu tham khảo.

  • Frost, D.R. (2022) Amphibian Species of the World: an Online Reference. Version 6.0. Electronic Database accessible at http://research.amnh.org/herpetology/amphibia/index.html, (accessed on 01 January 2022). American Museum of Natural History.

  • IUCN SSC Amphibian Specialist Group. 2017. Theloderma corticaleThe IUCN Red List of Threatened Species 2017: e.T59033A87476136. https://dx.doi.org/10.2305/IUCN.UK.2017-2.RLTS.T59033A87476136.en. Accessed on 16 December 2021.

  • Gower, R. a., Perl, A., Scheld, R.G.B., van der Straeten, S., Karbe, K., Pham, D., Nguyen, C.T. & Ziegler, T. (2012) Larval development, stages and an international comparison of husbandry parameters of the Vietnamese Mossy Frog Theloderma corticale (Boulenger, 1903) (Anura: Rhacophoridae). Asian Journal of Conservation Biology 1, 51–66.

  • Mian, H., Guo-Hua, Y., Hong-Man, C., Chang-Le, L., Li, Z., Jin, C., Pi-Peng, L. & Orlov, N.L. (2017) The taxonomic status and distribution range of six Theloderma species (Anura: Rhacophoridae) with a new record in China. Russian Journal of Herpetology 24, 99–127. https://doi.org/10.30906/1026-2296-2019-24-2-99-127

Theloderma corticaleLuan Nguyen
00:00 / 00:12
bottom of page