Papurana attigua
Chàng đồng hình – Twin frog
Đặc điểm nhận dạng. Cơ thể khá mảnh, chiều dài con đực đạt 4-5 cm, con cái lớn hơn 5-7 cm. Đầu dài hơn rộng, mõm khá nhọn nhìn từ phía bên. Gờ mắt-mõm rõ, má lõm. Mắt lớn, con ngươi tròn. Lỗ mũi hướng sang bên, gần mõm hơn so với mắt. Răng lá mía 2 hàng ngắn, cách xa lỗ mũi trong. Màng nhĩ rõ, tròn, gờ trên màng nhĩ rất rõ.
Chân trước mảnh, mút ngón chân hơi phình ra thành đĩa bám nhỏ, rãnh giữa đĩa bám có nhưng không rõ. Ngón chân trước thứ nhất dài hơn ngón hai. Không có màng bơi giữa các ngón chân. Củ bàn chân phát triển, củ dưới khớp ngón phát triển. Chân sau dài, mút ngón chân có đĩa bám như chân trước, rãnh giữa đĩa bám phát triển. Màng bơi giữa các ngón chưa tới một nửa ngón thứ IV. Củ bàn trong hình ô van, củ bàn ngoài tròn.
Da lưng nhẵn có các hạt sần dọc giữa lưng. Mép môi phát triển, có 1 nốt sần lớn sau mép miệng và kéo dài ra sau thành gờ. Gờ bên hông rất phát triển. Da hông trơn có rải rác các mụn phía sau gần bẹn. Da trên các chân có gờ dọc. Da bụng nhẵn.
Đầu, lưng màu đồng hoặc màu đỏ gạch chủ đạo. Má và màng nhĩ màu đen. Mép miệng màu trắng rất nổi bật. Mắt có 2 màu, phía trên màu đồng, dưới nâu. Hông màu vàng hoặc đồng. Họng, ngực và bụng màu bạc hoặc trắng. Mặt dưới đùi màu đồng hoặc gạch (Inger và cs. 1999; Nguyễn và cs. 2017; mẫu vật).
Sinh học. Sinh sản ở suối hay các đầm nước cỏ dày. Tới mùa sinh sản (mùa mưa) con đực kêu dọc suối hoặc dưới thảm cỏ ẩm cả ban đêm lẫn ban ngày. Trứng đẻ trong các vũng nước cạn ven suối. Tiếng kêu rất vang và to. Kêu thành nhóm tầm 8-12 tiếng. Với tai người nghe "tẹt tẹt tẹt" như tiếng còi xe.
Trứng và nòng nọc. Trứng và nòng nọc chưa được mô tả.
Sinh cảnh. Loài này sinh sống ở môi trường cạn và nước, dưới tán rừng, ven các con suối. Nòng nọc ghi nhận sống ở suối nước cạn và chảy chậm. Nòng nọc mô tả ở Quảng Bình giai đoạn 35-40 (các ngón chân sau hoàn thiện) có thân khá dẹp, vây đuôi phát triển ít. Tổng chiều dài cả thân và đuôi khoảng 3,6-4,0 cm. Thân và đuôi màu nâu đất với các đốm màu đồng, con ngươi màu đồng. Miệng hướng xuống, có hai hàng răng (keratin) ở hàm trên, ba hàng ở hàm dưới (Gawor và cs. 2009).
Phân bố. Việt Nam: Phân bố dọc miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông, Lâm Đồng. Thế giới: Lào (vùng tiếp giáp miền Trung Việt Nam) (Frost 2022).
Tình trạng bảo tồn. Sách đỏ Việt Nam: Không. Danh lục đỏ thế giới: LC (Ít lo ngại) (IUCN 2016).
Nguồn gốc tên loài. Từ "attigua" nghĩa là hàng xóm, liền kề. Tên loài đặt với ý nghĩa là loài này gần gũi và rất giống một loài đã biết trước đó là Papurana milleti. Cả 2 loài có cùng sinh cảnh sống có thể được tìm thấy ở 1 nơi (Inger và cs. 1999; Smith 1921).
Loài tương tự. Hai loài trong giống Papurana ở Việt Nam rất giống nhau. Phân biệt hai loài này bởi kích thước (P. mileti bé hơn); gờ bên lưng (P. milleti lớn hơn); nốt trên bả vai (nhỏ và kéo dài thành gờ ở P. attigua so với tròn, lớn ở P. milleti); da bên hông (mụn lớn ở P. attigua so với hạt mịn ở P. milleti). màng bơi ít phát triển ở P. millet (1/3 ngón IV so với hơn 1/2 ngón IV ở P. attigua); màu ở cẳng chân (đồng màu ở P. attigua so với đốm đen ở P. milleti). Tiếng kêu của 2 loài này cũng khác nhau, khi P. attigua kêu nhiều tiếng thành nhóm trên 8 tiếng và tiếng kêu lớn thì P. milleti kêu trầm, 1-2 tiếng mỗi lần kêu (Inger và cs. 1999; Smith 1921; mẫu vật).
Tài liệu tham khảo.
Inger, R. F., Orlov, N. & Darevsky, I. S. (1999) Frogs of Vietnam: A report on new collections. Fieldiana: Zoology 92, 1–46.
Frost, D. R. (2022) Amphibian Species of the World: an Online Reference. Version 6.0. Electronic Database accessible at http://research.amnh.org/herpetology/amphibia/index.html, (accessed on 01 January 2022). American Museum of Natural History.
Gawor, A., Hendrix, R., Vences, M., Bohme, W. & Zieglew, T. (2009) Larval morphology in four species of Hylarana from Vietnam and Thailand with comments on the taxonomy of H. nigrovittata sensu latu (Anura: Ranidae). Zootaxa, 1–25. https://doi.org/10.11646/zootaxa.2051.1.1
IUCN SSC Amphibian Specialist Group. 2016. Hylarana attigua. The IUCN Red List of Threatened Species 2016: e.T58550A3071552. https://dx.doi.org/10.2305/IUCN.UK.2016-3.RLTS.T58550A3071552.en. Accessed on 16 December 2021.
Nguyễn Thành Luân, Nguyễn Đ. H Vũ, Phan T. Hoa, Nguyễn N. Sang. (2017) Kết quả bước đầu về thành phần loài lưỡng cư ở Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, tỉnh Khánh Hòa C. V. Minh (Ed). Hội nghị Khoa học toàn quốc về Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật lần thứ bảy, tr. 261–267.
Smith, M. A. (1921) New or Little-known Reptiles and Batrachians from Southern Annam (Indo-China). Proceedings of The Zoological Society of London 1921. https://doi.org/10.1111/j.1096-3642.1921.tb03271.x