top of page

Bộ: Anura > Họ: Megophryidae > Dưới họ: Megophryinae > Giống: Atympanophry

Atympanophrys gigantica

Cóc sừng khổng lồ – Great Piebald Horned Toad

Đặc điểm nhận dạng. Nhận dạng nhanh:  Kích thước lớn trên 10 cm, thân dẹp và rộng bề ngang. Không có gia thịt trên mí mắt. Cơ thể màu đồng hoặc nâu với hai dải đen bên lưng khá lớn. Mắt và môi màu đồng, giữa má màu đen. Nòng nọc bơi thành đàn lớn cả ngày lẫn đêm ở các vũng nước lớn trong suối. Bắt lên mùi rất hôi. Sống trên 2000 m dãy Hoàng Liên Sơn.

Là loài có kích thước lớn trong giống Atympanophrys, chiều dài thân đạt 10 cm ở con đực, 11-12 cm ở con cái. Cơ thể phát triển bề ngang, hơi dẹp. Đầu ngắn, mõm khá tù nhìn từ phía bên. Gờ da từ mõm tới mắt rõ. Má khá phẳng. Mắt lồi to, tròn, con ngươi ngang. Màng nhĩ ẩn dưới da. Răng lá mía rõ ràng.

Chân trước ngắn, mập. Các ngón chân tròn, mút ngón chân hơi phình ra. Không có màng bơi giữa các ngón chân và rèm da ở hai bên các ngón. Các củ bàn và củ dưới khớp ngón chân trước không rõ. Chân sau mập, dài. Các ngón chân dài và tròn. Màng bơi ít phát triển, chưa tới giữa ngón IV, rèm da hai bên các ngón phát triển. Củ bàn chân trong hình bầu dục, củ bàn chân ngoài và các củ dưới khớp ngón chân không phát triển.

Da trơn hoàn toàn với các mụn cám li ti khá khó thấy. Hai gờ da mảnh và ngắn sau đầu trên hai bả vai. Gờ da ở trên màng nhĩ từ sau mắt tới bả vai rõ. Tuyến (mụn lớn) ở ngực và dưới đùi phát triển. Trên mí mắt không có gai thịt (sừng). Hai bên hông thi thoảng có vài mụn rải rác.

Màu sắc chủ đạo là màu đồng hoặc nâu với các đốm đen trên lưng. Hai bên lưng có 2 vệt đen lớn song song từ sau bả vai tới hông rất đặc trưng. Môi trên màu vàng, từ sau mũi tới bả vai có 1 vệt đen lớn đặc trưng băng qua mắt. Mắt màu đồng với các tia nhỏ màu vàng. Đùi và các chân có các vệt đen ngang lớn. Họng và ngực màu nâu đất nhiều đốm đen loang lổ. Bụng màu vàng nhạt, các đốm ít và nhạt hơn.


Sinh học. Tập tính sinh sản, tiếng kêu của loài chưa được ghi nhận. Theo Fe và Ye (2016) thì loài này đẻ trứng ở các suối nước chảy lớn, nhưng chưa có báo cáo cụ thể. Hoạt động vào ban đêm. Loài này có mùi rất hôi thối khi cầm trên tay. Các cá thể cái ghi nhận vào tháng 9 và 10 có trứng, đây là thời điểm cuối mùa mưa ở dãy Hoàng Liên Sơn.


Trứng và nòng nọc. Trứng chưa được ghi nhận, nhiều loài trong nhóm này đẻ trứng dưới đá do đó ít khi được phát hiện. Nòng nọc ghi nhận tại Dãy Hoàng Liên Sơn có kích thước khá lớn. Nòng nọc ở giai đoạn khoảng 35-37 có tổng chiều dài khoảng 5 cm. Miệng dạng phễu đặc trưng với hai bên dài và 1 phần ở phía trước miệng ngắn hơn. Không có các hàng răng keratin nhưng có các hàng gai nhỏ đều nhau ở phễu miệng. Thân chắc và mập, đuôi có vây phát triển. Mắt lớn và tròn. Cơ thể nòng nọc màu đồng, mắt màu đồng. Hai bên thân và bụng màu hơi nâu đen. Có thể nhìn thấy phần tim màu đỏ bên trong cơ thể từ dưới bụng. Vây màu hơi nhạt hơn phần thân đuôi.


Sinh cảnh. Các cá thể trường thành tìm thấy ở ven suối vào ban đêm trong rừng thường xanh trên núi cao. Nòng nọc sống tự do trong các suối rộng, nước lớn, tập trung thành đàn lớn ở những góc nước chảy chậm của các vũng nước lớn vào tháng 3 tới tháng 6. Nòng nọc loài này khác biệt với những loài sống cùng sinh cảnh là hoạt động cả ban đêm lẫn ban ngày (4 loài khác trong họ Megophryidae có nòng nọc ghi nhận cùng sinh cảnh sống chỉ hoạt động vào ban đêm, xem Tapley và cs. 2020).


Phân bố. Trong nước: Ghi nhận ở dãy Hoàng Liên Sơn tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Lào Cai, độ cao từ 2000-2400 m. Thế giới: Trung Quốc.


Tình trạng bảo tồn. Sách đỏ Việt Nam: Không. Danh lục đỏ thế giới: VU (Sẽ Nguy cấp). Mức độ này được đánh giá vào năm 2004 khi loài này chưa ghi nhận tại Việt Nam.


Nguồn gốc tên loài. Tên loài “gigantica” bắt nguồn từ “gigantic” nghĩa là khổng lồ, được đặt theo kích thước rất lớn của loài này so với các loài khác trong giống Megophrys (giống cũ ban đầu loài này được đặt tên).


Loài tương tự. Hiện chỉ có một loài duy nhất trong giống Atympanophrys ở Việt Nam. Kích thước lớn và không có gai trên mí rất dễ phân biệt với các loài khác trong cùng họ Megopryidae.


Tài liệu tham khảo.

  • Fei, L., and  Ye YC. 2016. Amphibians of China, Volume 1. Beijing, China: Chengdu Institute of Biology, Chinese Academy of Sciences. Science Press.

  • Frost, D.R. (2022) Amphibian Species of the World: an Online Reference. Version 6.0. Electronic Database accessible at http://research.amnh.org/herpetology/amphibia/index.html, (accessed on 01 January 2022). American Museum of Natural History.

  • Luong, A.M., Van Pham, A., Nguyen, T.T. & Nguyen, T.Q. (2019) First record of Megophrys gigantica Liu, Hu Et Yang, 1960 (Anura: Megophryidae) from Vietnam. Russian Journal of Herpetology 26, 201–204. https://doi.org/10.30906/1026-2296-2019-26-4-201-204

  • Tapley, B., Nguyen, L.T., Cutajar, T., Nguyen, C.T., Portway, C., Luong, H. Van & Rowley, J.J.L. (2020) The tadpoles of five Megophrys Horned frogs (Amphibia: Megophryidae) from the Hoang Lien Range, Vietnam. Zootaxa 4845, 35–52. https://doi.org/10.11646/zootaxa.4845.1.3

  • Wu G, Yang D. 2004. Megophrys giganticusThe IUCN Red List of Threatened Species 2004: e.T57637A11667811. https://dx.doi.org/10.2305/IUCN.UK.2004.RLTS.T57637A11667811.en. Accessed on 26 December 2021.

Auto VoiceLuan Nguyen
00:00 / 00:10
bottom of page