Occidozyga lima
Bộ: Anura > Họ: Dicroglossidae > Dưới họ: Occidozyginae > Giống: Occidozyga
Cóc nước sần – Gray-green Puddlefrog
Đặc điểm nhận dạng. Kích thước bé, chiều dài thân con đực khoảng 2.5 cm, con cái lớn hơn, khoảng 3.5 cm. Cơ thể khá mập, đầu nhọn. Mõm ngắn, nhọn khi nhìn từ phía trên lưng. Gờ từ mắt tới mõm không rõ. Mũi hướng lên, gần mõm hơn so với mắt. Mắt tròn, con ngươi hình ca rô. Không có răng lá mía, lưỡi rất đặc biệt, dài và mút lưỡi nhọn lại hình con giun. Phần tự do chiếm 3/4 chiều dài của lưỡi. Màng nhĩ ẩn dưới da, có một gờ da từ sau mắt tới bả vai.
Chân trước ngắn, ngón chân mảnh khảnh, mút ngón chân nhọn. Hai củ bàn chân rõ, tròn và nhỏ. Chân sau khá mập, ngắn. Khi gập dọc thân, khớp cổ chân chạm tới mắt. Khi gập vuông góc, hai gót chân cách xa nhau. Ngón chân sau mảnh khảnh, mút ngón chân nhọn. Màng bơi phát triển hoàn toàn tới các mút ngón. Có hai củ bàn, củ bàn trong hình bầu dục, nhô cao như cái cựa, củ bàn ngoài rất bé, tròn và nhô cao. Tại góc gót chân có 1 gờ da cứng, nhô cao như cựa da.
Da toàn thân nhám, với các hạt mịn bé. Da cằm, họng và bụng mịn hơn mặt lưng. Mé ngoài bàn chân sau có hàng gai nhỏ. Đầu, lưng và mặt trên các chân màu nâu sáng, đôi khi màu xanh nhạt. Nhiều cá thể có sọc trắng giữa lưng. Có 2 vệt đen nhạt hai bên cằm và họng trên nền màu trắng. Bụng màu trắng ngà với nhiều đốm trắng sữa đôi khi thành hàng rất nổi bật. Các đốm này có khi xếp thành dãy ở giữa họng. Vùng giữa các đùi có 1 dải đen lớn nối liền nhau. Dưới khuỷu tay đôi khi có vệt đen (Köhler và cs. 2021; mẫu vật).
Sinh học. Sinh sản trong nước vào thời điểm mưa lớn. Con đực bắt cặp với con cái ở nách, thường bắt cặp trong nước. Đẻ trứng trong các vũng tù, hoặc vũng nước hình thành sau mưa hay các khu vực đồng ruộng. Sau khi bắt cặp, trứng đẻ dưới đáy vũng nước tại các bụi cỏ chìm trong nước. Chi tiết về tập tính sinh sản loài này hiện vẫn chưa rõ ràng, mặc dù là loài phổ biến. Con đực kêu to, túi kêu ngoài phình lớn khi kêu. Tiếng kêu thường bắt đầu bởi vài tiếng đơn lẻ sau đó kéo dài liên tục. Với tai người nghe "tíc-tẹt-tẹt-tẹt". Kêu vào chiều tối và ban đêm trên mặt nước. Thông tin thêm về nuôi và sinh sản loài này xem tại trang web phần tài liệu tham khảo (Gábor Molnár).
Trứng và nòng nọc. Trứng màu nâu sau khi đẻ, có 1 lớp thạch bao ngoài. Nòng nọc dài, dẹp. Miệng tròn, không có các mấu thịt quanh miệng, không có các hàng răng bằng chất sừng keratin. Đuôi nhọn, cơ thể màu ô liu sáng với các vệt đen dọc đuôi và thân. Mặt bụng thân và đuôi màu trắng (mô tả từ mẫu vật ở Thái Lan). Nòng nọc rất giống với nòng nọc loài Cóc nước nhẵn, Phrynoglossus martensi (Xem thêm ảnh trong phần mô tả loài này).
Sinh cảnh. Là loài sống hoàn toàn trong nước. Thường nổi phần đầu lên khỏi mặt nước. Sống ở các vũng nước tù ngoài bìa rừng hay đồng ruộng. Nòng nọc tìm thấy ở các vũng nước nơi các cá thể trưởng thành sinh sống.
Phân bố. Phân bố rộng cả nước, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hoà Bình, Lai Châu, Sơn La, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Thành phố Cần Thơ (Frost 2022).
Trên thế giới: ghi nhận tại từ Ấn độ, Myanma, Thái Lan, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Indonesia và Mã Lai (Frost 2022).
Tình trạng bảo tồn. Sách đỏ Việt Nam: Không; Danh lục đỏ thế giới: LC (Ít lo ngại) (van Dijk và cs., 2004).
Nguồn gốc tên loài. Đang cập nhật.
Loài tương tự. Loài này rất khác biệt so với các loài lưỡng cư khác tại Việt Nam bởi đặc điểm về cấu trúc lưỡi và đời sống hoàn toàn ở nước. Có một loài khác cũng gọi là Cóc nước, là Cóc nước nhẵn, Phrynoglossus martensi, hai loài này khác nhau bởi da (nhám ở O. lima, trơn ở P. martensi), cấu trúc lưỡi (dài, hình giun ở đầu lưỡi ở loài O. lima, lưỡi tròn ở loài P. martensi), cách bắt cặp (bắt cặp ở nách ở loài O. lima, bắt cặp ở ben ở loài P. martensi) (Köhler và cs. 2021).
Tài liệu tham khảo.
Frost, D.R. (2022) Amphibian Species of the World: an Online Reference. Version 6.0. Electronic Database accessible at http://research.amnh.org/herpetology/amphibia/index.html, (accessed on 01 January 2022). American Museum of Natural History.
Gábor Molnár. Breeding Occidozyga lima (frogforum.net)
Köhler, G., Vargas, J., Than, N.L., Schell, T., Janke, A., Pauls, S.U. & Thammachoti, P. (2021) A taxonomic revision of the genus Phrynoglossus in Indochina with the description of a new species and comments on the classification within Occidozyginae (Amphibia, Anura, Dicroglossidae). Vertebrate Zoology 71, 1–26. https://doi.org/10.3897/vz.71.e60312
Smith, M.A. (1916) On the frogs of the Genus Oxyglossis. The Journal of the Natural History Society of Siam II, 172−175.
van Dijk, P.P., Iskandar, D., Lau, M.W.N., Ermi, Z., Baorong, G., Haitao, S., Dutta, S., Sengupta, S. & Uddin Sarker, S. 2004. Occidozyga lima (errata version published in 2016). The IUCN Red List of Threatened Species 2004: e.T58411A86626569. https://dx.doi.org/10.2305/IUCN.UK.2004.RLTS.T58411A11775632.en. Accessed on 16 December 2021.