top of page
Tropical Leaves

Lưỡng cư ở Việt Nam.

Đến nay, trên thế giới có khoảng 8000 loài lưỡng cư đã được thống kê. Việt Nam diện tích khiêm tốn chưa đến 350.000 km2 nhưng có gần 300 loài lưỡng cư đã được phát hiện và còn nhiều loài đồng hình phức tạp, nhiều dòng gen mới được phát hiện. Mặc dù về sinh học cơ thể lưỡng cư còn một số hạn chế song chúng đã thích nghi và phân bố hầu khắp mọi miền tổ quốc, từ đỉnh núi cao giá lạnh (Fansipan, 3143 m) cho đến các hải đảo và vùng khô hạn ... đó là những đặc điểm rất thú vị cho các khám phá về tính đa dạng, sinh học, sinh thái...

 

Trước hết, trang web này ra đời với mong muốn hệ thống lại cơ sở dữ liệu cho bản thân và nhóm nghiên cứu, đồng thời chia sẻ những vốn liếng về lưỡng cư đến các bạn đọc cũng như mang các thông tin đến những người có cùng đam mê, hoặc thỏa mãn nhu cầu của bất kỳ bạn đọc nào... và làm thế nào để những thông tin này được lan tỏa nhanh nhất, có sự tương tác, bổ sung, phản hồi... để dữ liệu ngày càng hoàn thiện. Trang web góp phần bổ sung vào các cơ sở dữ liệu đang có sẵn trong nước bằng tiếng Việt về những loài tương tự, về lâu dài hướng đến một nguồn tư liệu đáng tin cậy để tham khảo, tra cứu, trích dẫn.

 

Trang web sẽ là một thư viện về các loài Lưỡng cư ở Việt nam bằng tiếng Việt, truyền tải những thông tin cơ bản nhất, từ hình ảnh tới đặc điểm đời sống, tầm quan trọng và các mối đe dọa tới lưỡng cư. Hi vọng rằng trang Lưỡng cư Việt Nam đáp ứng những mong đợi của người đọc.

 

Cơ sở dữ liệu này là kết quả của nhiều năm nghiên cứu, ghi nhận ngoài thực địa, cũng như tham khảo các tài liệu trước đó, đây không chỉ là sản phẩm của riêng một cá nhân, mà là kết quả từ các thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam và Thế giới cùng với sự kế thừa và bổ sung của các tác giả, hình ảnh, tài liệu nếu trích dẫn sẽ ghi rõ nguồn.

 

Về lý do trang web này được biên soạn bằng tiếng Việt, câu chuyện khởi đầu khi đọc lời dẫn trong quyển Rong Biển Việt Nam xuất bản năm 1969 của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ: “Lúc đầu, quyển sách này được thảo bằng ngoại ngữ, khi làm việc ở Hải học viện Nha Trang và ở Museum, và tôi có hoài bão được xuất bản trong ngoại ngữ ấy để công bố công trình khảo cứu của mình ra bốn phương, như lời hứa ngầm lúc trình luận án.

Song nay tôi đã đổi ý và cho xuất bản bằng tiếng Việt Nam. Đó là để chứng minh rằng ngôn ngữ nào, miễn được chăm sóc, đều có thể diễn tả kiến thức ở mọi trình độ. Tôi biết rằng có nhiều người cho rằng không ấn hành trong một ngôn ngữ quốc tế là phí công, giới khảo cứu làm sao biết đến. Nhưng tôi thấy chẳng cần đến việc ấy. Được mấy mươi triệu người Việt Nam biết và dùng, có giá trị hơn là được vài ngàn học giả chuyên môn thưởng thức.

Tôi đã bỏ cái tự hào sai là tranh đua cùng người ngoài để tự tạo lấy thanh danh, “làm thơm lây dân Việt”. Tôi tin rằng cái tự hào ấy không thực tế, vì một người Việt Nam hay, không bằng nhiều người Việt Nam khá: cầm đuốc soi thành phố người có vẻ không thức thời trong khi nước nhà còn u ám. Cái tự hào trên thật ra chỉ để che đậy sự trốn trách nhiệm, sự bỏ phận sự trước con cháu chúng ta một cách không tha thứ được" - [theo tư liệu của Ngô Thế Vinh].

Chính vì những ý nghĩa đó, toàn bộ thông tin trong trang web Lưỡng cư Việt Nam đều bằng tiếng Việt để mang thông tin tới cho đông đảo người đọc một cách dễ hiểu nhất.

 

Chúng tôi trân trọng những ý kiến đóng góp, xây dựng, phản hồi về thông tin trong trang web. Mọi tương tác xin vui lòng gửi vào email theo địa chỉ vnherps@gmail.com  để chúng tôi có thể hoàn thiện hơn trang web này.

Trân trọng,

Nhóm vnherps.com

bottom of page